Quán triệt việc thi hành Bộ luật Hình sự và luật Tiếp cận thông tin

Lê Phước| 04/11/2017 14:29

Sáng 4/11, tại điểm cầu Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến với 59/63 tỉnh, thành nhằm giới thiệu và quán triệt những nội dung cơ bản của việc thi hành Bộ luật Hình sự (BLHS) và luật Tiếp cận thông tin (TCTT). Đồng chí Lê Thành Long, UVTƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì Hội nghị.

Video clip:

Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tại đầu cầu tỉnh Đắk Nông.

BLHS năm 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH14 ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018 (gọi chung là BLHS năm 2015). Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu, BLHS năm 2015 có những điều chỉnh về mặt kỹ thuật lập pháp theo hướng nâng cao tính minh bạch trong các quy định của BLHS, đảm bảo tính thống nhất về mặt kỹ thuật giữa phần chung và phần các tội phạm cụ thể của BLHS và các luật khác.

Bộ luật đã cụ thể hóa tối đa các dấu hiệu định tội, khung mang tính chất định tính, trừu tượng (hậu quả, thu lợi bất chính, số lượng…) trong cấu thành hầu hết các tội phạm, đặc biệt là các tội phạm về kinh tế, môi trường, các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người… Bên cạnh đó, Bộ luật đã tách một số tội phạm ghép trong BLHS năm 1999 thành các tội danh độc lập để có sự phân hóa trong chính sách xử lý. Do đó, BLHS năm 2015 đã đánh dấu 1 bước tiến quan trọng trong quá trình hoàn thiện pháp luật hình sự ở nước ta, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm.

Đối với luật TCTT, theo bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp), thì luật TCTT có hiệu lực thi hành từ 1/7/2018 sẽ cụ thể hóa đầy đủ tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013 và thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về mở rộng dân chủ, đảm bảo quyền công dân, quyền con người.

Trong luật quy định cụ thể về các nội dung: chủ thể TCTT, chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin, cách thức TCTT, phạm vi thông tin được tiếp cận và quy trình TCTT theo yêu cầu của công dân…

Luật TCTT dự kiến sẽ tác động về kinh tế, tăng hiệu quả quản lý nhà nước, tác động lên khu vực tư nhân, cải thiện mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân, tác động tích cực đến sự tuân thủ pháp luật của cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh tầm quan trọng của 2 luật, đặc biệt là BLHS. Bộ trưởng cũng ghi nhận và đánh giá cao sự quan tâm nghiên cứu, đặt vấn đề về các nội dung trong BLHS và Luật TCTT của các bộ, ban, ngành, địa phương. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Lê Thành Long yêu cầu các đơn vị của Bộ Tư pháp nhanh chóng rà soát các văn bản đề xuất, sửa đổi, bổ sung; tập hợp tài liệu cơ bản để sớm tổ chức học tập, quán triệt chuyên sâu về các nội dung cụ thể của BLHS và Luật TCTT để đảm bảo hiệu quả thực thi pháp luật trong cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quán triệt việc thi hành Bộ luật Hình sự và luật Tiếp cận thông tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO