Hội nghị trực tuyến quán triệt Chỉ thị 15 của Chính phủ về hội nhập quốc tế

Mỹ Hằng| 27/08/2015 16:47

Chiều 27/8, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm quán triệt Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 7/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.

Các Phó Thủ tướng Chính phủ: Vũ Văn Ninh, Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh đồng chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Đắk Nông, đồng chí đồng chí Nguyễn Bốn, UVTVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Chủ tịch tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban ngành, doanh nghiệp tham dự.

Lãnh đạo tỉnh và các sở, ban ngành tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Nông

Theo đánh giá, thời gian qua, quán triệt Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động và thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế gồm: Ban Chỉ đạo liên ngành về chính trị, an ninh, quốc phòng, Ban Chỉ đạo liên ngành về kinh tế, Ban Chỉ đạo liên ngành về văn hóa xã hội, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo.

Ban Chỉ đạo quốc gia và các Ban Chỉ đạo liên ngành cùng các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các chương trình, nhiệm vụ đề ra và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực tranh thủ các nguồn lực cho phát triển bền vững, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; củng cố môi trường hòa bình, ổn định; quảng bá và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên thế giới.

Tuy nhiên, công tác triển khai hội nhập quốc tế vẫn còn những  hạn chế nhất định. Nhận thức của các Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự đầy đủ và thống nhất; công tác phối hợp triển khai chưa nhịp nhàng, chặt chẽ. Thông tin tuyên truyền đến doanh nghiệp và nhân dân chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Việc nội luật hóa để thực hiện các cam kết quốc tế chưa đầy đủ và đồng bộ. Sự chuẩn bị trong nước đối với các cam kết sắp phải thực hiện còn chậm và thiếu chủ động.

Trong khi đó, những năm tới, tình hình thế giới thay đổi nhanh, diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường; tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, xung đột sắc tộc, các thách thức an ninh phi truyền thống nổi lên gay gắt. Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á, tiếp tục là trung tâm phát triển năng động, đồng thời cũng là trọng điểm cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.

Quá trình toàn cầu hóa và những tiến bộ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ tác động sâu rộng đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế thế giới. Xu hướng liên kết kinh tế, thương mại, đầu tư, kết nối hạ tầng đa tầng nấc gia tăng; xuất hiện các hình thức liên kết mới, các định chế tài chính - tiền tệ, các hiệp định kinh tế, thương mại, đầu tư song phương và đa phương thế hệ mới, trong đó có việc Cộng đồng ASEAN hình thành vào cuối năm 2015.

Tình hình trên đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục chủ động, tích cực đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện trên các lĩnh vực nhằm nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, để hội nhập quốc tế thực sự trở thành phương tiện hữu hiệu phục vụ phát triển bền vững và bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia.

Để đạt được những mục tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế yêu cầu các Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế tiếp tục nâng cao chất lượng tham mưu chính sách; vận hành thông suốt, nhịp nhàng cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch hành động về hội nhập quốc tế của địa phương, chú trọng nâng cao năng lực hội nhập, cạnh tranh, đề xuất các yêu cầu, vướng mắc cần sự hỗ trợ của Trung ương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị trực tuyến quán triệt Chỉ thị 15 của Chính phủ về hội nhập quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO