Hội nghị giao ban Văn hóa-Văn nghệ khu vực miền Trung và Tây Nguyên

Phan Tân| 24/11/2016 10:19

* Nâng cao nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trên mặt trận văn hóa

Ngày 24/11, tại thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông), Ban Tuyên giáo Trung ương, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy Đắk Nông tổ chức Hội nghị giao ban Văn hóa-Văn nghệ khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Các đồng chí: Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông; Bùi Thế Đức, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đồng chủ trì hội nghị.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Ban Tuyên giáo, Hội Văn học Nghệ thuật 16 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên dự hội nghị.

Các tiết mục văn nghệ đậm chất Đắk Nông chào mừng hội nghị

Phát biểu chào mừng hội nghị, cùng với giới thiệu một số nét tình hình của tỉnh Đắk Nông, đồng chí Lê Diễn khẳng định: Nhận thức sâu sắc văn hóa- văn nghệ (VH-VN) là nền tảng tinh thần, động lực để phát triển kinh tế-xã hội, thời gian qua, Đắk Nông đã xây dựng nhiều chương trình hành động để cụ thể các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương phù hợp với địa phương. Nhiều đề án về VH-VN, giáo dục… được xây dựng, triển khai, phát huy tối đa các giá trị văn hóa truyền thống của 40 dân tộc anh em trên địa bàn. Thông qua VH-VN, các dân tộc phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng xây dựng Đắk Nông ngày một giàu mạnh; phòng ngừa, đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Hội nghị giao ban là dịp để những người làm công tác VH-VN giao lưu, trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, học hỏi kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Diễn khẳng định: Thông qua VH-VN xây dựng mối đoàn kết, gắn kết các dân tộc

Báo cáo đề dẫn và các tham luận, ý kiến tại hội nghị cho thấy, từ đầu năm đến nay, hoạt động VH-VN trên địa bàn miền Trung và Tây Nguyên có nhiều chuyển biến tích cực. Các tỉnh, thành phố đều ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt động VH-VN phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân, định hướng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Trước sự cố nghiêm trọng về môi trường biển và thiên tai lũ lụt ở khu vực miền Trung, nhiều hoạt động VH-VN trên cả nước đã tập trung khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, góp phần giúp nhân dân ổn định tư tưởng, vượt qua khó khăn.

Hội Văn học Nghệ thuật các địa phương tổ chức nhiều đợt sinh hoạt văn, thơ trên địa bàn vào dịp lễ, tết… Nội dung bám sát thực tiễn cuộc sống, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Hoạt động quản lý, lành mạnh hóa đời sống văn hóa của nhân dân được các địa phương đẩy mạnh.

Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai nghiêm túc, chủ động kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều hoạt động xâm nhập, tán phát các sản phẩm độc hại của các thế lực thù địch. Việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc cũng như chấn chỉnh những biểu hiện tiêu cực, lệch lạc được các cấp chính quyền quan tâm…

Quang cảnh hội nghị

Tuy nhiên, công tác chỉ đạo, tổ chức, quản lý hoạt động VH-VN vẫn còn hạn chế, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành. Việc đầu tư cho sự nghiệp văn hóa nói chung, văn học, nghệ thuật nói riêng có tăng, nhưng còn thấp so với yêu cầu. Kinh phí dành cho các hoạt động, phong trào VH-VN ở các cấp chưa đáp ứng được nhiệm vụ. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân còn hạn chế trong việc lựa chọn các sản phẩm văn hóa. Hình thức sinh hoạt VH-VN còn đơn điệu, mang tính phong trào, thời vụ, chủ yếu phục vụ các ngày lễ lớn và các sự kiện chính trị…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Thế Đức đề nghị: các địa phương cần tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trên mặt trận văn hóa

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bùi Thế Đức nhấn mạnh: Nói đến văn hóa khu vực miền Trung-Tây Nguyên là nói đến sự đa dạng bởi các yếu tố văn hóa của các tộc người khác nhau. Vì vậy, các địa phương cần tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trên mặt trận văn hóa. Các địa phương cần quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ giữa văn hóa với kinh tế, giữa hội nhập, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống…Đồng thời, không ngừng nâng cao cảnh giác, chủ động đấu tranh có hiệu quả chống lại các âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng-văn hóa .

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị giao ban Văn hóa-Văn nghệ khu vực miền Trung và Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO