Đắk Song giải ngân vốn kịp thời, phục vụ người dân sản xuất

Nguyễn Lương| 22/07/2020 09:26

Những tháng đầu năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Giá cả các mặt hàng nông sản còn thấp. Nhiều nông dân tại Đắk Song gặp khó khăn do không có vốn đầu tư vào cây trồng. Trước thực tế này, NHCSXH huyện Đắk Song đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn ưu đãi, giúp người dân vượt qua một phần khó khăn.

ADQuảng cáo

Nguồn vốn hỗ trợ kịp thời

Năm 2017, vườn cà phê trồng xen hồ tiêu hơn 2 ha của ông Nguyễn Ngọc Vinh, thôn 2, xã Nâm N’Jang bị nhiễm bệnh. Chỉ thời gian ngắn, hơn 1.700 trụ hồ tiêu mới thu hoạch năm thứ nhất chết rụi hoàn toàn.

NHCSXH huyện Đắk Song giao dịch với người dân xã Nâm N'jang

Hồ tiêu chết, mất nguồn thu nhập, ông Vinh tập trung chăm sóc cà phê. Giá cà phê thấp, trong khi 3 đứa con học hành tốn nhiều chi phí nên vườn cây không có vốn đầu tư nhiều.

Tháng 6/2020 vừa qua, gia đình ông được địa phương bình xét, tạo điều kiện tiếp cận 30 triệu đồng từ NHCSXH huyện. Có nguồn vốn, ông mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc vườn cà phê vào mùa mưa.

Ông Vinh chia sẻ: “Thu nhập của nông dân chủ yếu dựa vào vườn cây. Mấy năm nay, giá cả nông sản xuống thấp, hồ tiêu bị chết, nông dân chúng tôi điêu đứng. Nhiều lúc đi vay bên ngoài, chịu lãi cao cũng không có người cho vay. Với gia đình tôi, mọi năm cứ vào đầu mùa mưa, tôi phải tìm cách vay lãi nóng bên ngoài để mua phân bón cho cây trồng. Cũng may năm nay, bên ngân hàng chính sách hỗ trợ cho vay kịp thời nên tôi không bị áp lực vay lãi nóng”.

Đang chuẩn bị nhận tiền ngân hàng giải ngân cho vay tại điểm giao dịch xã, anh Đỗ Văn Lâm, thôn 9, xã Nâm N’Jang rất vui mừng.

“Khoảng 3 năm trở lại đây, người dân chúng tôi gặp khó khăn chồng chất khó khăn. Nông sản giá bấp bênh, hồ tiêu chết hàng loạt. Đợt vừa rồi, dịch bệnh Covid-19 nữa, kinh tế người dân điêu đứng hết và không có vốn tái đầu tư. Nhiều hộ dân bây giờ chấp nhận phải bỏ rẫy hoang. Được tiếp cận vốn từ ngân hàng chính sách là rất tốt, giúp người dân có một phần vốn tái canh, vượt qua khủng hoảng trước mắt”, anh Lâm chia sẻ.

ADQuảng cáo

Toàn xã Nâm N’Jang hiện có gần 1.140 hộ gia đình được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện, với dư nợ hơn 44 tỷ đồng. Quy trình vay vốn được địa phương phối hợp thực hiện nghiêm túc.

Ông Phạm Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm N’Jang cho hay: “Chúng tôi đánh giá rất cao về nguồn vốn của ngân hàng chính sách xã hội trong việc hỗ trợ vốn đối với người dân trong xã. Trước khi vay vốn, chúng tôi rà soát xem người dân có đủ điều kiện, đủ năng lực để thực hiện nguồn vốn hiệu quả hay không. Sau khi vốn đã giải ngân, địa phương huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị. Từ đây, các phương pháp hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong sử dụng nguồn vốn được áp dụng một cách hiệu quả”. 

Cán bộ NHCSXH xuống thăm vườn cà phê của gia đình ông Nguyễn Ngọc Vinh, hộ dân vay vốn tại thôn 2, xã Nâm N'Jang

Đẩy mạnh rà soát, bình xét cho vay

Tính hết tháng 6/2020, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi trên địa bàn huyện Đắk Song trên 405 tỷ đồng, với hơn 12.800 hộ gia đình còn dư nợ. Trong đó, chỉ riêng trong tháng 5 và tháng 6/2020 (sau thời điểm dịch Covid-19 trong nước được kiểm soát) địa phương có gần 1.200 lượt hộ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, với dư nợ hơn 44 tỷ đồng. Con số này chiếm gần 50% doanh số cho vay toàn huyện trong 6 tháng đầu năm.

Ông Huỳnh Quang Dung, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH Đắk Song khẳng định: “Thời điểm sau dịch, người dân rất cần vốn tái đầu tư cây trồng. Với phương châm không để người dân lỡ thời điểm đầu tư (đầu mùa mưa), đơn vị đã tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh rà soát nhu cầu vay vốn tại cơ sở. Ngân hàng sẽ ưu tiên các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ gặp khó khăn trong thời điểm dịch Covid-19”.

Cùng với rà soát, giải ngân vốn vay kịp thời, nhiều biện pháp như: Gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ… được ngân hàng thực hiện cụ thể. Thông qua các giải pháp này, các hộ vay vốn một phần giảm bớt gánh nặng, yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh.

“Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, đơn vị đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra sau cho vay. Qua đó, ngân hàng vừa hạn chế rủi ro sau khi vay vốn, vừa hướng dẫn, hỗ trợ hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, giúp người dân phát huy hiệu quả nguồn vốn cao nhất”, ông Huỳnh Quang Dung cho biết thêm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Song giải ngân vốn kịp thời, phục vụ người dân sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO