Câu chuyện khởi nghiệp

17/02/2018 21:21

Năm 2016 được Việt Nam chọn là Năm Quốc gia khởi nghiệp. Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, khởi nghiệp đã tạo thành một phong trào rộng khắp các tỉnh, thành cả nước. Tại Đắk Nông, phong trào này cũng đã và đang có sức hút mạnh mẽ đối với nhiều giai tầng ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Thống kê của ngành chức năng, phong trào khởi nghiệp bước đầu đã tạo tiền đề, động lực mới để Đắk Nông hướng đến mục tiêu thành lập 5.000 doanh nghiệp vào năm 2020.

ADQuảng cáo

Biên tập viên thực hiện Chương trình “Câu chuyện khởi nghiệp” trên Truyền hình Internet Báo Đắk Nông. Ảnh: Thùy Dung

Khởi nghiệp

Thị xã Gia Nghĩa hiện có 700 doanh nghiệp, hợp tác xã và hơn 1.300 cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia hoạt động. Trong hai năm trở lại đây (2016-2017), số lượng doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh ở Gia Nghĩa tăng 18,3 % so với cùng kỳ năm trước. Đây được xem là một trong những địa phương sớm nở rộ nhiều ý tưởng và mô hình khởi nghiệp. Sự phát triển của phong trào khởi nghiệp đã góp phần tạo nên bức tranh mới cho Đắk Nông.

Doanh nghiệp thành lập mới tăng. Đồ họa: Vũ Tú

Ông Lầu Sây Phu (SN 1962) lên Đắk Nông từ năm 1997 với nghề chính là trồng tiêu, cà phê. Năm 2011, ông Phu đầu tư gần 300 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, máy móc nuôi chim yến. Hiện nay, nuôi chim yến mang lại nguồn thu cho ông Phu bình quân hàng năm trên 200 triệu đồng.

Anh Lê Văn Hoàng sinh năm 1990. Năm 2005 anh từ Thanh Hóa vào Đắk Nông sinh sống, học tập. Năm 2013, sau khi học xong, anh Hoàng quyết định khởi nghiệp với quán cà phê nhỏ. Sau 2 năm đầu thành công, anh Hoàng vay mượn để thành lập Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan Đắk Nông với số vốn gần 400 triệu đồng. Đến nay, mỗi tháng, công ty đưa ra thị trường từ 2-3 tấn cà phê sạch với doanh thu bình quân hàng năm đạt gần 4 tỷ đồng. Anh Lê Văn Hoàng cho biết: “Công ty liên kết với nông dân sản xuất 30ha cà phê và chủ sở hữu thêm 8 ha, trong đó các sản phẩm cà phê hạn chế dùng thuốc trừ sâu…”. 

Video "Khởi nghiệp từ đam mê và quyết tâm":

Hiện tại, mô hình khởi nghiệp ở địa bàn nào cũng có. Qua thực tế khởi nghiệp ở các địa phương cho thấy, phong trào khởi nghiệp đang có sức hút mạnh mẽ đối với các bạn trẻ. Để “hiện thực hóa” mong muốn đó của mình, có không ít những bạn trẻ của Đắk Nông đã bắt tay vào khởi nghiệp với ý tưởng kinh doanh ít vốn, nhưng rất hiệu quả. Đây đang được xem là bước “thử nghiệm” cho chặng đường lập nghiệp về lâu dài của những người trẻ.

Video "Những mô hình kinh doanh ít vốn":

Chị Ngô Thị Kim Oanh, phường Nghĩa Trung, thị xã Gia Nghĩa có ý tưởng kinh doanh bánh Handmade. Đầu năm 2016, chị Oanh bắt tay vào kinh doanh mặt hàng bánh rau câu theo hình thức online. Nguồn vốn đầu tư mua sắm các dụng cụ, nguyên liệu ban đầu là hơn 10 triệu đồng. Với sự nỗ lực của bản thân, đến nay mỗi tháng, chị Oanh có từ 70 đến 80 khách hàng đặt bánh. Doanh thu bình quân được hơn 20 triệu đồng/tháng

Cũng với ý tưởng kinh doanh “ít vốn”, năm 2015, anh Nguyễn Đức Hưng, Chủ quán Đệ nhất ngon ở thị xã Gia Nghĩa đã mạnh dạn đầu tư gần 30 triệu đồng để mở quán bán đồ ăn nhanh “bò né”. Sau thời gian làm vỉa hè và thấy thuận lợi, anh Hưng bắt đầu mở quán. Qua gần 2 năm kinh doanh, hiện tại doanh thu bình quân hàng tháng từ quán đã đạt trên 100 triệu đồng.

Trong hai năm qua (2016-2017), số lượng doanh nghiệp thành lập mới của tỉnh Đắk Nông tăng khá cao. Trong đó, cao nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực  dịch vụ tăng 75,5%. Công nghiệp- xây dựng 21,12%... Quy mô hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn có sự phát triển. Đến năm 2017, số vốn đăng ký bình quân của một doanh nghiệp là 7,7 tỷ đồng, tăng 261% so với năm 2004.

Cần hạn chế doanh nghiệp “ảo”

Qua thống kê cho thấy, số lượng doanh nghiệp tăng nhanh, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động “ảo” và giải thể trên địa bàn tỉnh cũng  không ít. 

Biểu đồ biến động doanh nghiệp. Đồ họa: Vũ Tú 

Đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đội ngũ chủ doanh nghiệp, cán bộ quản lý doanh nghiệp của tỉnh còn hạn chế về kiến thức quản trị, kỹ năng, kinh nghiệm quản lý. Số lãnh đạo doanh nghiệp có trình độ chiếm tỷ lệ thấp, lao động phổ thông chiếm tỷ lệ khá cao... Đây là một trong những “lỗ hổng” tác động mạnh mẽ tới sự “tồn vong” của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, trong thời gian qua.

Trong tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh, doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm 86,64%, doanh nghiệp nhỏ chiếm 12,68%, doanh nghiệp vừa chiếm 0,68%. Toàn tỉnh chỉ có 92 doanh nghiệp có vốn đăng ký từ 50 tỷ đồng trở lên.

Không ai muốn mô hình hay doanh nghiệp của mình bị đóng cửa, bởi vì trước khi khởi nghiệp, ai cũng có sự chuẩn bị nhất định.

Tuy vây, theo ông Nguyễn Quốc Vương, Công ty TNHH MTV Xe máy Thái Dương, huyện Đắk Song, khó khăn lớn khi khởi nghiệp là đó là vốn. Còn anh Lê Văn Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan Đắk Nông thì quỹ đất là cái khó khăn nhất đối với người làm cà phê sạch.

Video "Cần chuẩn bị gì cho khởi nghiệp":

ADQuảng cáo

Theo ông Nguyễn Ngọc Bắc, Chủ Cửa hàng Kinh doanh Dịch vụ Hồng Nhiên, thị trấn Đức An, huyện Đắk Song, muốn khởi nghiệp thành công cần phải có địa điểm kinh doanh. Mình phải có sự đầu tư cơ sở vật chất, trong đó sự hỗ trợ của Nhà nước và ngân hàng.

Chính quyền giúp sức doanh nghiệp

Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 4.016 doanh nghiệp đã được thành lập. Để giúp doanh nghiệp khởi nghiệp hiệu quả, thời gian qua, các ngành, đơn vị, địa phương đã triển khai hỗ trợ  cho doanh nghiệp thông qua: Hỗ trợ đào tạo kế toán tài chính; kết nối tín dụng; kết nối thị trường; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến; hỗ trợ miễn phí phần mềm kế toán… Đặc biệt, tỉnh đã ban hành một số chính sách thiết thực hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Video "Chính quyền giúp sức doanh nghiệp":

Theo ông Lưu Văn Trung, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông, chủ trương nhất quán của lãnh đạo tỉnh là đã ban hành chủ trương thì phải bảo đảm nguồn lực để thực hiện chính sách. Điều này đã được thực hiện trong năm 2017. Các doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện chính sách đã được hỗ trợ. Trong kế hoạch nguồn vốn trung hạn, vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2016-2020 tỉnh đã dành nguồn lực nhất định để đảm bảo thực hiện chính sách đó…

“Đối với các chính sách miễn giảm thuế, chúng tôi đều thực hiện đúng quy định. Các thủ tục hành chính liên quan đến các lĩnh vực khác như đất đai, vay vốn ngân hàng… được huyện thực hiện đầy đủ, kịp thời. Huyện đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Đắk Nông gặp mặt các doanh nghiệp, tạo điều kiện tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đồng thời thực hiện tốt vấn đề đồng hành cùng doanh nghiệp”-ông Nguyễn Ngọc Thân, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song khẳng định.  

Doanh nghiệp chế biến hồ tiêu ở thị xã Gia Nghĩa được ngành Khuyến công hỗ trợ Máy tách đá nhiễm từ. Ảnh: Lê Dung

Mặc dù tỉnh, các ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhưng thực tế không phải doanh nghiệp khởi nghiệp nào cũng tiếp cận, nắm bắt và thụ hưởng đầy đủ được các sự quan tâm đó.

Video "Doanh nghiệp với chính sách":

Theo Chủ Cửa hàng Kinh doanh Dịch vụ Hồng Nhiên Nguyễn Ngọc Bắc ở thị trấn Đức An, huyện Đắk Song thì vẫn có một số chính sách đơn vị chưa nắm bắt được. Chị Đinh Thị Thu Huyền, Công ty TNHH Tân Trường Phát, huyện Đắk Song cho biết: “Chính sách hỗ trợ thì có đáp ứng, nắm bắt nhưng vẫn còn nhiều thiếu sót. Mình chưa nắm hết được!”.

Cần những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp

Những chia sẻ trên cho thấy, để khởi nghiệp thành công và bền vững, ngoài tinh thần chủ động của chính doanh nghiệp thì các đơn vị cũng cần sự hỗ trợ của chính quyền và các bên để để sự “tiếp sức” cho doanh nghiệp.

Cũng theo ông Lưu Văn Trung, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông, để khởi nghiệp thành công, doanh nghiệp phải đưa ra được các ý tưởng, những phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Nhà nước sẽ hỗ trợ để phương án đó thành hiện thực… Còn theo ông Nguyễn Ngọc Thân, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song: “Địa phương đang kêu gọi một số ngân hàng đến với địa bàn Đắk Song để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc vay vốn triển khai các dự án của mình kịp thời và hiệu quả hơn”.

Video "Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp":

Ông Trần Văn Thuân, Giám đốc Chi nhánh Viễn thông Quân đội Đắk Nông, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông khẳng định: Đơn vị sẽ mời chuyên gia chuyên nói về chuyện khởi nghiệp; trong đó, hướng dẫn cho doanh nghiệp chuẩn bị khởi nghiệp và cả những doanh nghiệp đang hoạt động. Qua tư vấn sẽ giúp các doanh nghiệp cảm thấy ngành nghề lĩnh vực của mình mà hoạt động không thực sự tốt cũng có thể chuyển sang một ngành nghề nào đó, nó có tính chất bền vững hơn, hiệu quả hơn…

Năm 2017 đã khép lại với nhiều thành quả khởi nghiệp quan trọng và mở ra những kỳ vọng mới cho năm 2018. Chúng ta cùng chúc cho các bạn trẻ, những người đang “nuôi dưỡng”, “nung nấu” ý tưởng khởi nghiệp sẽ sớm hiện thực hóa “giấc mơ” của mình.

Video clip:

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Câu chuyện khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO