Cần hoàn thiện các chính sách xã hội trợ giúp trẻ em

Phan Tân| 27/05/2020 16:19

Ngày 27/5, ngày làm việc thứ 7 Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận, góp ý, xem xét báo cáo giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

ADQuảng cáo

Đại biểu Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đắk Nông, cùng các ĐBQH tỉnh, lãnh đạo một sở, ngành liên quan tham dự tại kỳ họp tại điểm cầu Đắk Nông.

Đại biểu Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, cùng các ĐBQH tỉnh, lãnh đạo một sở, ngành liên quan tham dự tại kỳ họp tại điểm cầu Đắk Nông

Tham gia thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, đại biểu Võ Đình Tín, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị cần hoàn thiện các chính sách xã hội trợ giúp trẻ em.

Theo đó, thời gian qua, nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với công tác phòng, chống xâm hại trẻ em ngày càng được nâng cao, các quyền cơ bản của trẻ em được bảo đảm. Tuy nhiên, nhiều vụ xâm hai trẻ em mà đối tượng thực hiện hành vi xâm hại là người thân thích, ruột thịt với nạn nhân. Phương thức, thủ đoạn xâm hại ngày một tinh vi, diễn ra trong thời gian dài và chỉ bị phát hiện khi đã xảy ra hậu quả nghiêm trọng, dư luận xã hội lên án mạnh mẽ.

Ngoài những nguyên nhân đã được nêu trong báo cáo còn có nguyên nhân khác đó là đối tượng lợi dụng sự cả tin, thiếu hiểu biết của trẻ em, thiếu sự quản lý của gia đình nên đã tiếp cận và thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Trong khi đó, các nạn nhân bị xâm hại đều nhỏ tuổi, tâm sinh lý chưa hoàn thiện, ngại khai báo hoặc không dám khai báo vì bị đe dọa đến tính mạng; mặt khác nạn nhân bị chấn động mạnh về tinh thần sau khi vụ việc xảy ra. Đa số các vụ xâm hại trẻ em khi được phát hiện thì không tố giác ngay, dẫn tới khó khăn cho công tác điều tra, thu thập chứng cứ.

ADQuảng cáo

Do đó, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, Chính phủ cần nghiên cứu, điều chỉnh một số chế tài xử phạt hành chính liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em hiện nay để bảo đảm tính răn đe, nhất là xâm hại về thể xác và tinh thần do xâm hại tình dục trẻ em gây ra. Cùng với sớm hoàn thiện các chính sách xã hội trợ giúp trẻ em, Chính phủ quan tâm đầu tư kinh phí cũng như khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế phối hợp hành động phòng, chống xâm hại trẻ em.

Đại biểu Võ Đình Tín, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị cần hoàn thiện các chính sách xã hội trợ giúp trẻ em

Chính phủ xem xét ban hành Chương trình mục tiêu Quốc gia về bảo vệ trẻ em để bảo đảm nguồn lực cơ bản ở các cấp, nhất là cấp cơ sở trong việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với trẻ em; trong đó tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, ưu tiên nhóm trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại cao.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em... cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu và vùng xa và đưa chương trình giáo dục vấn đề xâm hại trẻ em, giáo dục giới tính vào trong nhà trường theo từng độ tuổi cho phù hợp cần được sớm xúc tiến, đẩy mạnh.

Cùng với quan tâm đầu tư nguồn lực thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em thì cần huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm để thực hiện các chương trình, mục tiêu bảo vệ chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhằm phối hợp can thiệp, giúp đỡ trẻ em bị bạo lực và trẻ bị xâm hại.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần hoàn thiện các chính sách xã hội trợ giúp trẻ em
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO